THIẾT KẾ ÁNH SÁNG và AN TOÀN LAO ĐỘNG

March 13, 2021 § Leave a comment

"Thiết kế ánh sáng và an toàn lao động," Faber Birren, dịch giả ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

* Tác giả: Faber Birren
* Người dịch: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan.

Mặc dù cuộc sống của con người luôn gắn liền với thiên nhiên, phần lớn các hoạt động sống của chúng ta – cụ thể là việc sử dụng đôi mắt, bộ não, và tay chân – vẫn đang tương tác chủ yếu với các yếu tố nhân tạo trong môi trường xã hội nhiều hơn. Môi trường này ổn hay không ổn, nó sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Có nhiều mối liên hệ tương hỗ lẫn nhau giữa hoạt động nhìn của mắt và các hoạt động chức năng của cơ thể người. Mỗi khi chúng ta mỏi mắt, cơ thể chúng ta sẽ xuất hiện nhiều phản hồi thể chất rõ rệt, cả ở mắt lẫn toàn bộ hệ thống vận hành cơ thể. Việc ép buộc thị giác làm việc quá sức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Sau đây là vài nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mỏi mắt, được quan sát từ những người làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ của mắt – những người đàn ông và phụ nữ dành phần lớn thời gian của mình ở nhà máy và văn phòng, liên tục sử dụng thị lực của mình để mưu sinh:

Đọc tiếp

BÀI TRÍ THƯ PHÒNG theo phong thủy để nâng cao hiệu quả học tập và làm việc

December 21, 2020 § 2 Comments

Bên cạnh kỹ năng học tập, việc có một không gian học tập và làm việc đúng nghĩa đóng vai trò quan trọng với sự thành công của mỗi người. Khoa học đã chứng minh được rằng thiết kế của không gian học tập – hoặc thư phòng – có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hiệu quả làm việc của chúng ta. Một thư phòng được bài trí hợp lý và khoa học giúp chúng ta cảm thấy khỏe khoắn, yêu thích và hứng thú hơn với việc học, dễ dàng tập trung và lưu giữ được kiến thức trong tâm trí hiệu quả hơn.

Theo phong thủy kiến trúc, cách chúng ta sắp đặt các vật dụng trong nhà có thể tác động đến sức khỏe, sự thành công và hạnh phúc của chúng ta. Trong đó, bố cục của thư phòng hoặc góc học tập, cách bố trí bàn ghế ở đó có thể chi phối hiệu quả học tập và nghiên cứu của bạn. Sau đây là một số đề xuất giúp bạn chuyển hóa thư phòng của mình thành một không gian học tập thu hút vượng khí và phục vụ tốt hơn cho việc học của bạn:

Ưu tiên ánh sáng tự nhiên

“Việc cho người trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên có thể giúp các em lanh lợi hơn, cải thiện và nâng cao kết quả học tập,” chia sẻ của Tiến sĩ Melina Uncapher, nhà thần kinh học người Mỹ đến từ Đại học California, San Francisco. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng ánh sáng mặt trời có tác động tích cực đối với các hoạt động nhận thức của sinh viên, mang lại lợi ích cho việc học và sức khỏe tinh thần của các em. Ánh sáng vừa đủ giúp chúng ta tỉnh táo và sáng suốt hơn, do nó kích thích bộ não tiết ra các loại hormone tác động đến giấc ngủ (melatonin) hoặc sự cảnh giác (cortisol). Quả thực, con người dễ mất tập trung khi phải học tập hoặc làm việc trong một môi trường tối tăm, không được chiếu sáng đầy đủ. Do vậy, hãy đảm bảo góc học tập của mình luôn sáng sủa, bằng cách mở các rèm cửa, hoặc bố trí bàn học hướng ra cửa sổ. Trong trường hợp thư phòng của bạn không thể tiếp cận ánh sáng mặt trời, hãy bố trí một chiếc đèn bàn có chất lượng đối diện với tay cầm viết của bạn.

Đảm bảo thư phòng của mình ngăn nắp và gọn gàng

Việc phải học tập trong một căn phòng bừa bộn, bên một chiếc bàn ngổn ngang giấy tờ, cốc cà-phê uống dở dang cùng nhiều vật dụng linh tinh chất đống khác chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và hiệu quả làm việc của chúng ta. Theo các nhà khoa học, sự bừa bộn là một nguồn cơn của những cảm giác lo sợ và quá tải, khiến chúng ta không tập trung suy nghĩ hay làm được bất kỳ việc gì. Do vậy, hãy dành thời gian lau dọn sạch sẽ và sắp xếp không gian học tập của mình gọn gàng và ngăn nắp, để tâm trí bạn luôn được thư thái và sẵn sàng cho việc học.

Cá nhân hóa góc học tập

Một không gian học tập có chất lượng là nơi khiến bạn luôn căng tràn năng lượng và động lực để nghiên cứu và lĩnh hội tri thức. Do vậy, hãy mạnh dạn bài trí thư phòng của mình theo sở thích cá nhân sao cho nơi đây phù hợp với những nhu cầu, phong cách học tập và tính cách của bạn. Bạn có thể trang trí góc học tập bằng những món đồ có tác dụng truyền cảm hứng tích cực cho mình: ảnh chụp người thân và bạn bè, những hình ảnh hoặc danh ngôn có ý nghĩa khuyến học,… Học nên là một hoạt động mà bạn yêu thích và háo hức trông đợi; do vậy, việc kiến tạo một không gian học tập cá tính và phù hợp với bản thân mình sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và phấn chấn mỗi khi ngồi vào bàn học, luôn sẵn sàng nỗ lực để đạt kết quả học tập cao nhất có thể.

Quản lý không gian học tập của mình

Việc sắm sửa các dụng cụ học tập như thẻ học thông minh (flashcard), bìa sơ-mi được phân nhóm theo màu sắc, bút dạ quang và giấy dán sticker có thể giúp bạn dễ dàng tổ chức việc học của mình và luôn được chuẩn bị đầy đủ cho buổi học kế tiếp. Lịch treo tường hoặc để bàn, thời khóa biểu, và một số cuốn sách được bạn tham khảo thường xuyên nhất là vài món đồ nên được bố trí gọn gàng ngay tại góc học tập để giúp bạn hình thành ý thức quản lý và gắn kết hơn với không gian học tập của mình. Sử dụng màu sắc để phân loại sách vở, tài liệu và giấy ghi chú của mình sao cho bạn có thể tiếp cận chúng một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất, không phải mất thời gian tìm kiếm. Thư phòng là nơi khiến bạn cảm thấy hào hứng và toàn tâm toàn ý cho việc học; vì vậy, không nên bố trí bất kỳ yếu tố gì có tính chất gây xao nhãng hoặc mất tập trung. Một không gian học tập được quản lý tốt sẽ giúp chủ nhân cải thiện và nâng cao kết quả học tập của mình theo thời gian.

Yếu tố thiên nhiên trong thư phòng  

Một nghiên cứu vào năm 2009 khám phá rằng việc bổ sung một chậu cây rậm lá vào không gian học tập có tác động tích cực đối với sức khỏe và trí lực của người học. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy sinh viên có xu hướng cảm thấy thư thái và cân bằng tâm trí hơn mỗi khi ngồi học trên một chiếc bàn được bố trí một chậu cây xanh nhỏ xinh.  

Vai trò của âm nhạc đối với việc học  

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng âm nhạc có khả năng cải thiện tâm trạng của con người. Những giai điệu nhạc nền nhẹ nhàng có thể mang lại cho người nghe sự thư thái, giúp họ xua tan căng thẳng và lo âu trong khi làm việc, giúp người học củng cố sự tập trung và tỉnh táo với những bài học kéo dài. Một số nghiên cứu khẳng định âm nhạc có tác dụng giúp người học cải thiện khả năng ghi nhớ – được gọi là “Hiệu ứng Mozart”, mặc dù giới khoa học vẫn đang tranh cãi về sự tồn tại của hiệu ứng này và chưa có kết luận cuối cùng nào được rút ra. Thực tế cho thấy một số bạn trẻ không thể tách rời âm nhạc khỏi góc học tập của mình, nhưng một số sinh viên khác lại không thích nghe nhạc dưới mọi hình thức trong khi đang học bài hay làm việc; do vậy, việc ứng dụng âm nhạc vào không gian học tập cần linh hoạt theo điều kiện và sở thích cá nhân của mỗi người. Tuy vậy, nếu bạn mở nhạc với âm lượng quá lớn, hoặc nghe những giai điệu quá mạnh mẽ và sôi động, đây lại là một yếu tố gây xao nhãng, có thể khiến bộ não của bạn không thể tập trung. 

Vài yếu tố gây mất tập trung khác

Đó là điện thoại, truyền hình và Internet. Với sự phổ biến của mạng xã hội, thật dễ dàng để chúng ta xao nhãng và làm gián đoạn việc học. Lướt ảnh mới trên Instagram, xem tin tức mới trên Twitter và Facebook,… và thế là bạn có thể mất mát đến vài giờ lẽ ra dành cho việc học của mình vào mỗi ngày. Do vậy, nếu bạn không có nhu cầu nào quá cấp thiết hoặc chính đáng với những tác nhân gây xao nhãng vừa kể, hãy hạn chế tối đa sự hiện diện của chúng trong không gian học tập của bạn. Bạn luôn có thể nghe nhạc, tán gẫu với bạn bè, lướt mạng xã hội và xem truyền hình vào những khoảng thời gian nhàn rỗi của mình sau khi đã hoàn tất việc học bài. Điều này không chỉ giúp bạn học tập hiệu quả và năng suất hơn, mà còn giúp bạn tận hưởng những hoạt động khác một cách chất lượng và có ý nghĩa hơn. Phần thưởng giá trị bạn gặt hái được từ thói quen kỷ luật này chính là cảm giác vượt lên chính mình và chiến thắng – khi mình vừa thành công trong việc làm chủ bản thân, kiểm soát những ham muốn cá nhân để tập trung cho việc học cũng như những mục tiêu quan trọng hơn./.

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Admin blog cá nhân “Sức khỏe và Nghệ thuật sống”:
https://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/

./.

“NHÀ SẠCH THÌ MÁT, BÁT SẠCH NGON CƠM” trong phong thủy nhà ở

November 17, 2020 § Leave a comment

Art Deco interior design collection, blog ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Tiểu cảnh một quầy bar tại gia được thiết kế theo phong cách Art Deco, Eipix Entertainment.

[ *Tham khảo thêm:
Bí kíp chữa dứt căn bệnh mang tên “Bừa bộn”]

Mỗi khi thiết kế và trang hoàng ngôi nhà của mình, hầu hết chúng ta thường tập trung vào tính thẩm mỹ để gây ấn tượng tích cực với khách đến chơi nhà, và để bản thân chúng ta được tận hưởng vẻ đẹp của không gian sống do chính mình tạo tác. Không nhiều người quan tâm đến vấn đề đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của bản thân mỗi khi thiết kế nhà của mình, trong khi đây là một nhân tố quan trọng đóng vai trò chi phối thể trạng của mỗi người. Ngôi nhà là nơi chúng ta thường xuyên lui về và sinh hoạt trong phần lớn thời gian của cuộc đời mình; nó có thể làm chúng ta cảm thấy ấm cúng, cũng có thể khiến chúng ta cô đơn hơn. Sau đây là một vài mối liên hệ giữa thiết kế nhà ở và sức khỏe tinh thần của con người đã được khoa học chứng minh:

Vật dụng nội thất bố trí không hợp lý có thể khiến tâm trí con người mỏi mệt và bế tắc:

Nhiều gia chủ có xu hướng tùy hứng trong việc đặt để đồ dùng nội thất trong nhà, không quan tâm đến bố cục tổng thể của gian phòng. Khi chúng ta bố trí vật dụng nội thất một cách vô tổ chức, kết quả nhận được là một không gian lộn xộn hoặc bí bách. Và một khi sự bài trí này khiến cơ thể con người cảm thấy ngột ngạt, tù túng hoặc chây ì, bộ não của chúng ta khó lòng hoạt động hiệu quả. Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, không thể suy nghĩ thông suốt được điều gì. Trong một số trường hợp cực đoan hơn, một không gian sống bừa bộn có thể khiến người sử dụng trở nên khó chịu và cáu gắt, dễ gây gổ với người thân trong nhà.

Đọc tiếp

Hoa tươi trong phong thủy nhà ở

November 2, 2020 § Leave a comment

Hoa tươi trong phong thủy nhà ở

Ngôn ngữ của các loài hoa vượt trên mọi biên giới về mặt địa lý, ý nghĩa và thông điệp. Nghệ thuật sử dụng hoa tươi để cải thiện và nâng cao phong thủy kỳ thực cũng dựa trên những hiệu ứng cảm xúc kỳ diệu mà các loài hoa khơi gợi trong con người – những cảm nhận muôn màu về cái đẹp, sự sang trọng và thanh lịch, sự mong manh mà gợi cảm, và căng tràn sức sống.

Bên cạnh tác dụng trang trí nội thất và làm đẹp cho ngôi nhà của bạn, hoa tươi còn có thể mang đến tài lộc, sự ấm cúng sum vầy và vượng khí có chất lượng vào không gian sống của mọi gia chủ. Để thụ hưởng được những lợi ích của hoa tươi trong phong thủy, người sử dụng cần có kiến thức về màu sắc, số lượng hoa cũng như ý nghĩa và tính biểu tượng của từng loài hoa mình vận dụng.

Sau đây là một số loài hoa được ứng dụng phổ biến nhất trong phong thủy nhà ở:

Hoa mẫu đơn

Hoa mẫu đơn

Một trong những loài hoa gợi cảm nhất với hương thơm ngây ngất. Ngay từ xa xưa, hoa mẫu đơn đã là chủ đề yêu thích trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Trung Hoa; trong đó, mẫu đơn hồng thường được họ sử dụng trong phong thủy để hóa giải các vấn đề về tình duyên và hôn nhân. Hoa mẫu đơn thường được xem là biểu tượng của vẻ đẹp nữ tính. Tuy vậy, nhiều chuyên gia phong thủy không khuyến khích chưng hoa mẫu đơn trong phòng ngủ của các đôi vợ chồng, vì ưu điểm của loài hoa này trong phong thủy cũng đồng thời là nhược điểm của nó: Chúng có khả năng cải thiện hôn nhân, nhưng cũng có thể “mời gọi” các mối quan hệ ngoài hôn nhân.

Hoa sen

Hoa sen

Loài hoa được người Việt Nam yêu mến và bình chọn là quốc hoa bởi phẩm chất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Hoa sen tượng trưng cho sự hoàn mỹ. Trong y học và ẩm thực phương đông, mọi bộ phận của cây sen đều có giá trị, được tận dụng làm thuốc và chế biến những món ăn bổ dưỡng. Đây là lý do vì sao hoa sen được ưu ái trong phong thủy, với tác dụng cải thiện sức khỏe gia chủ, đảm bảo sự hòa hợp và bình yên của tổ ấm.

Đọc tiếp

LIỆU PHÁP MÀU SẮC, cùng vài năng lực đặc biệt của người họa sĩ – Kỳ 5: EIDETIC IMAGERY

June 25, 2020 § 2 Comments

"Winter Dawn," họa sĩ Philip Straub -- sưu tầm bởi ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

“Winter Dawn,” họa sĩ Philip Straub.

* Tác giả: Faber Birren
* Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan vinh dự là người đầu tiên dịch và đăng đàn một bài viết hoàn chỉnh về đề tài này – Trí nhớ hình ảnh (Eidetic Imagery) – ở Việt Nam, ngày hôm nay 25-06-2020, chuyển ngữ từ tài liệu hiếm của bậc thầy màu sắc Faber Bernard Birren.

“Eidetic Imagery” có thể xem là “Vũ khí tối thượng” của người nghệ sĩ, là năng lực giúp người họa sĩ “nhìn thấy” được các nàng thơ và những hình ảnh trong tâm trí để hiện thực hóa trên canvas, giúp cho các ca sĩ “nhìn thấy” những câu chuyện trong đầu mình để hiện thực hóa bằng MV, giúp các nhà thiết kế và nhà làm phim có ý tưởng sáng tạo,… ]

Kỳ cuối:

TRÍ NHỚ HÌNH ẢNH (EIDETIC IMAGERY)

Giờ là lúc chúng ta bàn đến một năng lực đặc biệt và thú vị khác của con người. Năng lực này tương đối hiếm trong dân chúng, được các nhà tâm lý học gọi là trí nhớ hình ảnh. Là một tác giả từng viết sách về đề tài này, E. R. Jaensch tuyên bố: “Những hình ảnh tinh thần được tạo ra từ trí nhớ hình ảnh là hiện tượng chuyển tiếp giữa cảm giác và hình ảnh. Giống như hiện tượng dư ảnh hiện diện trong mọi người bình thường, người sở hữu năng lực trí nhớ hình ảnh nhìn thấy những hình ảnh này trong tâm trí mình đúng nghĩa đen. Chúng tồn tại một cách cần thiết trong tâm trí người đó trong mọi điều kiện và kết nối với các cảm giác của cơ thể họ.”
Đọc tiếp

LIỆU PHÁP MÀU SẮC, cùng vài năng lực đặc biệt của người họa sĩ – Kỳ 4: SYNAESTHESIA

June 23, 2020 § 2 Comments

Mask design by Linda Bergkvist

Một tác phẩm thiết kế mặt nạ của nữ họa sĩ người Thụy Điển Linda Bergkvist.

* Tác giả: Faber Birren
* Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

[ Quý độc giả tham khảo bài viết đầu tiên của ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan về hiện tượng Synaesthesia sau đây – cũng là bài viết đầu tiên ở Việt Nam về chủ đề này được chọn đăng trên một tờ báo chính quy, là báo Sức Khỏe & Đời Sống Cuối Tuần của Bộ Y Tế vào tháng 09/2011:

https://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/2012/08/13/synaesthesia-cam-giac-kem-nhung-dieu-chua-biet-phan-1/  ]

Kỳ 4:

CẢM GIÁC KÈM (SYNAESTHESIA)

Nhiều người sở hữu khả năng gắn kết màu sắc với những sự vật khác một cách tự phát và không tuân thủ một quy luật cụ thể nào. Vài người trong số đó nghĩ rằng tất cả ký tự trong bảng chữ cái đều mang màu sắc nhất định. Các con số cũng được họ gắn liền với màu sắc, và cả âm thanh, nốt nhạc, ngày trong tuần, và vô vàn các sự vật khác. Đây là một năng lực có vẻ như tồn tại cố hữu trong mô thức tâm lý của vài người nhất định và không đổi trong suốt cuộc đời họ, được gọi là cảm giác kèm (Synaesthesia).

Hơn năm mươi năm trước, Francis Galton tiến hành nghiên cứu trên những người “tư duy bằng màu sắc” này. Một trong số những người này gắn liền màu sắc với các con số như: 1 là màu đen, 2 là vàng, 3 là một sắc đỏ gạch nhạt, 4 là màu nâu, 5 là xám đậm, 6 là nâu đỏ, 8 là xanh lam, 9 là nâu. Một người phụ nữ được nghiên cứu “nhìn thấy” chữ A có màu trắng, chữ E màu đỏ, chữ I màu vàng, chữ V màu tím, và chữ Y là một sắc xám xịt không sạch sẽ.
Đọc tiếp

LIỆU PHÁP MÀU SẮC, cùng vài năng lực đặc biệt của người họa sĩ – Kỳ 3

June 16, 2020 § 2 Comments

Loạt bài

* Tác giả: Faber Birren
* Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Danh sách khách hàng doanh nghiệp của Faber Birren không thiếu cái tên Walt Disney – nhà làm phim hoạt hình vĩ đại của mọi thời. Quý ông Birren từng được Disney mời làm cố vấn màu sắc cho nhiều bộ phim hoạt hình của mình, tiêu biểu như “Bambi,” “Fantasia” và “Pinocchio.” ]

Kỳ 3:

MÀU SẮC CHI PHỐI CÁC PHẢN ỨNG CỦA CƠ THỂ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

Màu sắc có quyền năng chi phối tâm trí, cảm xúc, và cơ thể của con người. Chúng có khả năng chữa bệnh, gián tiếp lẫn trực tiếp. Chúng tác động đến năng suất và hiệu quả làm việc. Cảm giác của con người đối với màu sắc bị chi phối bởi điều kiện cơ thể của họ, và ở chiều ngược lại, cơ thể người chịu tác động của màu sắc. Màu sắc đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, chúng cung cấp những liệu pháp mang lại giá trị thực cho mỗi con người lẫn toàn thể xã hội.

Vào năm 1910, Stein gây sự chú ý trong giới nghiên cứu với đề tài mối quan hệ giữa ánh sáng và trương lực cơ trong cơ thể người. Thuật ngữ “trương lực” chỉ sự duy trì hoạt động bền bỉ của cơ trong một cơ thể sống. Chẳng hạn, sự căng và giãn cơ là những hình thức khác nhau của trương lực cơ. Feré khám phá ra rằng tất cả các loại ánh sáng đều có tác dụng tăng trương lực cơ: ánh sáng xanh lam tăng trương lực cơ từ mức độ bình thường là 23 lên 24; ánh sáng đỏ tạo hiệu ứng tăng trương lực cơ mạnh hơn, từ 23 lên đến 42. Metzer phát hiện ra rằng khi chiếu sáng vào chỉ một mắt của một người, một nửa cơ thể của người đó ứng với bên mắt được chiếu sáng sẽ có phản ứng trương lực cơ tương ứng. Sau một loạt thí nghiệm đáng chú ý, Daitsch và Kogan kết luận rằng vàng và tím là hai loại ánh sáng phát huy tác dụng tốt nhất đối với các quá trình trao đổi chất trong cơ thể người. Ánh sáng đỏ làm suy yếu đáng kể các quá trình này, ánh sáng xanh lá cây có hiệu ứng tương tự nhưng nhẹ hơn.
Đọc tiếp

LIỆU PHÁP MÀU SẮC, cùng vài năng lực đặc biệt của người họa sĩ – Kỳ 2

June 11, 2020 § 2 Comments

Tác phẩm "Blue Notes III" của nữ họa sĩ Lisa Audit, sưu tầm bởi ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Tranh của nữ họa sĩ Lisa Audit.

* Tác giả: Faber Birren
* Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

[ FABER BIRREN được tạp chí American Magazine miêu tả là “Sherlock Holmes của màu sắc.” Không như các họa sĩ khác lẫn giới nghệ sĩ nói chung – những con người thích phiêu với màu sắc bằng tâm hồn bay bổng, lãng mạn và bất quy tắc, ông làm việc với màu sắc bằng cái đầu lạnh, lý trí và khoa học.

Vào năm 1954, doanh nhân kiêm ông trùm truyền thông Condé Nast mời Faber Birren cố vấn cho tạp chí House and Garden của mình. Và Nast bất ngờ khi chứng kiến quý ông Birren sử dụng máy vi tính, các thuật toán và công nghệ hiện đại để phân tích doanh số bán sơn nội thất và dự báo các xu hướng màu sắc của thị trường… ]

Kỳ 2:
LỊCH SỬ LIỆU PHÁP MÀU SẮC –
– Quan niệm hiện đại

Trải qua nhiều thế kỷ, những quan niệm kỳ lạ kể trên bất ngờ bị thách thức bởi những kẻ săn vi trùng. Khi mọi bí ẩn về bệnh tật được làm sáng tỏ dưới lăng kính hiển vi, con người rũ bỏ mọi quan niệm thần bí và mê tín dị đoan mình từng có về màu sắc, để rồi suốt một thời gian dài sau đó, các liệu pháp chữa bệnh bằng màu sắc chìm vào quên lãng.

Liệu pháp màu sắc bắt đầu được hồi sinh vào cuối thế kỷ mười chín ở Châu Mỹ. Vào năm 1877, S. Pancoast kêu gọi sự quan tâm của công chúng đối với những tác động tích cực của vài màu sắc nhất định lên sự phát triển của thực vật và sức khỏe của động vật. Một năm sau đó, Edwin D. Babbitt cho ra đời cuốn sách Nguyên tắc của Ánh sáng và Màu sắc – một tác phẩm thành công đến mức được tái bản nhiều lần và dịch sang nhiều ngôn ngữ, mang lại danh tiếng xuất thần cho quý ông Babbitt cần cù và đáng ngưỡng mộ. Bất chấp sự chính trực của mình, Babbitt đã thành công trong việc gây chấn động toàn thể cộng đồng y học vốn nổi tiếng cố chấp và lãnh đạm. Ông đã làm nên kỳ tích không tưởng là lôi kéo những cư dân bảo thủ của thời Victoria ra ngoài ánh sáng mặt trời, tạo ra trào lưu xây dựng các công trình lắp cửa sổ tranh kính và hệ thống chiếu sáng bằng kính màu. Nhiều năm trước khi đèn cực tím được phát minh, ông đã nhận ra quyền năng của ánh sáng, và theo nhiều trường hợp nghiên cứu vẫn đang được giới khoa học tranh luận, Babbitt cũng là một thầy thuốc đã thành công trong việc khắc chế nhiều căn bệnh.
Đọc tiếp

LIỆU PHÁP MÀU SẮC, cùng vài năng lực đặc biệt của người họa sĩ – Kỳ 1

June 8, 2020 § 3 Comments

Tranh của họa sĩ Lisa Audit -- sưu tầm bởi ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Tranh của nữ họa sĩ Lisa Audit.

* Tác giả: Faber Birren
* Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

[ Vài nét về tác giả và loạt bài viết này:

FABER BERNARD BIRREN (1900-1988) là họa sĩ kiêm chuyên gia nghiên cứu màu sắc nổi tiếng của Bắc Mỹ thế kỷ hai mươi, từng làm việc với quân đội Hoa Kỳ, tư vấn thiết kế cho nhiều bệnh viện và các tập đoàn nổi tiếng như Walt Disney, General Electric, Monsanto và Du Pont.

Loạt bài viết này được trích dịch từ các tài liệu giá trị được tác giả Faber Birren phát hành ở Hoa Kỳ vào năm 1945. Thư viện sách “Nghệ thuật và Kiến trúc” của Đại học Yale hiện là nơi lưu giữ đầy đủ nhất tất cả sách và tài liệu của quý ông tài hoa này. ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan – vốn là họa sĩ và có bằng cấp kiến trúc sư – là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sưu tầm và dịch những tài liệu này sang tiếng Việt kể từ năm 2019.

Đây không phải lần đầu tiên ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan dịch và phát hành bài viết về Liệu pháp màu sắc. Cô là người đầu tiên ở Việt Nam có bài viết về đề tài này được chọn đăng trên một tờ báo chính thống vào năm 2011: Bài “Liệu pháp màu sắc” đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống của Bộ Y Tế, số báo 662 ngày 09-09-2011.

Một chủ đề khác tương tự, “Liệu pháp hội họa,” cũng do ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan khai phá và đăng đàn bài viết hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam: Bài “Liệu pháp hội họa – Khi nghệ thuật cũng là phương thuốc chữa bệnh,” báo Sức Khỏe & Đời Sống cuối tuần số 689 tháng 03-2012. ]

FABER BIRREN (1900-1988), họa sĩ-bậc thầy về màu sắc

Tác giả Faber Birren

Kỳ 1:
LỊCH SỬ LIỆU PHÁP MÀU SẮC –
– Chữa bệnh bằng màu sắc vào thời cổ đại

( Giới thiệu sơ lược từ Faber Birren: Không có nhiều tác giả đủ kiên nhẫn đến mức lùng sục và đào sâu các nghiên cứu khoa học và y học liên quan đến màu sắc để làm tư liệu viết sách, dù chỉ là một hay hai trang từ một quyển sách dày cui, hay chỉ vài câu văn tưởng ngắn gọn trong đó nhưng ý nghĩa kỳ thực “rối như canh hẹ,” hại não hơn cả ngoại ngữ. Tác giả phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác tổng hợp nhiều tư liệu khác nhau để viết nên chương sách này là một việc đầy khó khăn với ông; tuy nhiên, ông ta vẫn cảm thấy rằng việc mình “lục tung” các thư viện sách y học, sách kỹ thuật, tài liệu chuyên khảo, các nhà sách ngoài thị trường, và các kho sách báo và tạp chí cũ để thỏa trí tò mò của bản thân là một nỗ lực hoàn toàn xứng đáng, được đền đáp bằng cảm giác tự hào khi được làm chủ tri thức và giúp thỏa mãn trí tò mò của những độc giả yêu tri thức giống mình. )

Tầm ảnh hưởng của màu sắc đối với tình trạng sức khỏe của con người vốn đã là một sự thật không thể chối cãi. Kể từ thuở khai thiên lập địa, con người đã tin rằng ánh sáng là một hình thức biểu đạt của thần linh và các thế lực cai quản tối cao. Riêng trong lĩnh vực này, anh ta vô cùng kiên định, không chút mơ hồ, bởi màu sắc vốn đã luôn gắn liền với cuộc sống của anh ta. Đối với con người thời cổ đại, màu sắc cầu vồng là những biểu tượng linh thiêng được anh ta gắn kết với mọi mặt trong nền văn minh của mình. Người này bị chi phối bởi sự thần bí hơn là tính nghệ sĩ; anh ta tin rằng màu sắc nắm quyền sinh sát đối với vận mệnh và an sinh của bản thân mình. Những giá trị và động lực liên quan đến màu sắc mà chúng ta đang tương tác hàng ngày như cơm bữa lại được xem là những lời thì thầm từ đấng tối cao đối với người xưa; chúng thúc giục anh ta phải tìm kiếm, thấu hiểu chúng, và chuyển hóa chúng vào những mục đích tốt đẹp.
Đọc tiếp

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TRONG NHÀ

May 30, 2020 § Leave a comment

Gorgeous interior design, sưu tầm bởi ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

[ Viết theo đặt hàng của Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Kim Thoa, BV Nhi Đồng I TpHCM, đã được biên tập lại và chọn đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống Cuối Tuần số 1118 ngày 05-06-2020 và số 1119 ngày 12-06-2020. Bài viết sau đây là phiên bản chưa đươc biên tập, dành cho các độc giả nào quan tâm đến bản thảo thô của admin, ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan. ]

Nhắc đến ô nhiễm không khí, chúng ta thường nghĩ tình trạng đó chỉ xảy ra ngoài trời hoặc trên đường phố đầy khói bụi, nhưng kỳ thực, ngay cả không khí trong nhà ở hoặc trong văn phòng làm việc của bạn cũng có thể bị ô nhiễm. Một số nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà thường gặp: nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc lá, các chất khí độc hại chẳng hạn như radon (sản phẩm phân rã của nguyên tố phóng xạ radium) và carbon monoxide (ký hiệu hóa học “CO”), một số loại vật liệu xây dựng như asbestos (a-mi-ăng), formaldehyde và chì, hóa chất trong các vật dụng gia đình như keo xịt tóc, chất khử mùi, sơn tường, thuốc diệt côn trùng, các chất tẩy rửa, các chất đánh bóng sàn nhà và bàn ghế nội thất (chẳng hạn như véc-ni), các loại keo dán và thuốc xịt thơm phòng.

Theo một báo cáo từ Trường Y tế công cộng Harvard, nhiều cuộc nghiên cứu đã khẳng định việc sử dụng lò nướng, chiên xào thực phẩm trên bếp lò hoặc bếp gas, lau sàn nhà, và cả sự hít thở của chúng ta, là vài trong số những hoạt động có thể làm tăng tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà lên mức đáng báo động. Những hoạt động này thúc đẩy sự sản sinh và phát tán các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatile organic compound, viết tắt “VOC”), nitric oxide (ký hiệu hóa học “NO”) và vô số hạt bụi mỏng có hại đối với sức khỏe con người. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trong những không gian ngột ngạt với mọi cửa sổ và cửa ra vào đều đóng chặt, những trường học và tòa nhà văn phòng thường xuyên trong tình trạng đóng kín bít bùng để bảo toàn năng lượng – theo Jane E. Brody, tác giả của bài báo kinh điển gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ô nhiễm không khí trong nhà đăng trên báo The New York Times vào năm 1981.
Đọc tiếp

Where Am I?

You are currently browsing the Kiến trúc và Thiết kế nội thất category at PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN .