Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ

October 14, 2023 § Leave a comment

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

*Tác giả: Andrea G. Asnes và Christopher S. Greeley, 2018.

Giới thiệu

Mặc dù vài chấn thương tâm lý và trải nghiệm không vui thuở ấu thơ là điều bình thường trong cuộc sống của mỗi người, thậm chí có thể giúp trẻ trở nên cứng cáp và chững chạc hơn trong quá trình phát triển, việc hứng chịu chấn thương tâm lý trầm trọng, thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực dài hạn đối với sức khỏe. Chấn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến thể chất, nhưng thông thường, phần tác động tiêu cực của chúng liên quan đến các khía cạnh cảm xúc, tâm lý hoặc xã hội. Các trải nghiệm gây chấn thương tâm lý thuở nhỏ có thể ảnh hưởng đến quá trình đọc bộ gene, sự hình thành trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (trục HPA). Vì bộ não của trẻ tiếp tục phát triển dài lâu sau khi bé ra đời, mọi tác động tích cực lẫn tiêu cực từ môi trường đều có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình khôn lớn của trẻ. Ba năm đầu đời là giai đoạn đặc biệt quan trọng và dễ được nhào nặn, nhờ khả năng đàn hồi cao của bộ não trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Việc hứng chịu chấn thương tâm lý (thường được gọi chung là trải nghiệm tiêu cực) có thể ảnh hưởng đến hoạt động học hỏi, hành vi, và sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực, nguy cơ sa sút sức khỏe và tử vong ở người lớn. Việc tìm hiểu cách thức và cơ chế tác động của các trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ đối với trẻ nhỏ đang lớn có thể giúp bác sĩ nhi gia giảm những ảnh hưởng không có lợi của chúng ở trẻ em, nhận diện và tập trung những nguồn lực có khả năng nâng cao sức bật tinh thần (resiliency, còn được gọi là năng lực vượt khó) của mỗi người trong cộng đồng, góp phần vào nỗ lực bảo vệ sức khỏe và hạn chế những hệ lụy lâu dài của chấn thương tâm lý thuở ấu thơ.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Bệnh căn học và sinh bệnh học

Giới chuyên môn nhi khoa bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của các vấn đề về phát triển, xã hội và hành vi của trẻ em từ những năm 1970. Vào thời đó, những vấn đề này được gọi là “những bệnh tật mới,” bởi chúng là những mối hiểm họa mới được phát hiện đối với sức khỏe trẻ em. Từ việc chỉ tập trung vào các vấn đề sức khỏe thể chất như bệnh truyền nhiễm, thiếu hụt chất dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong trẻ nhũ nhi, và bệnh dịch, nhi khoa phải bắt đầu quan tâm đến những vấn đề rối loạn cảm xúc, nhu cầu cảm xúc, và tình trạng bất ổn trong gia đình, và nhiều lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ em. Những điều này bao gồm tình trạng ngược đãi và bỏ mặc trẻ, bạo lực trong cộng đồng, sức khỏe tinh thần của cha mẹ, thiếu an ninh lương thực, nghèo đói, và bất bình đẳng xã hội.

Hệ lụy lâu dài của những biến cố tiêu cực thuở nhỏ đối với sức khỏe và cuộc sống của trẻ em được làm rõ trong Nghiên cứu trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ (ACE) mang tính bước ngoặt vào những năm 1990. Nghiên cứu này tìm thấy mối liên kết giữa việc hứng chịu chấn thương tâm lý gắn liền biến cố tiêu cực trong tuổi thơ – đặc biệt khi việc hứng chịu này kéo dài và tích lũy – với tình trạng sa sút sức khỏe ở tuổi trưởng thành. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên hơn 17.000 người là thành viên của một kế hoạch bảo hiểm sức khỏe từ doanh nghiệp; trong đó, họ được phỏng vấn về trải nghiệm của bản thân đối với một danh sách ACE bao gồm bạo hành, thờ ơ, bỏ mặc, và bất ổn trong gia đình chẳng hạn như cha mẹ lạm dụng thuốc hoặc chất kích thích, một thành viên trong gia đình vướng vào vòng lao lý. Tham khảo bảng 28-1 về nội dung của bản danh sách này.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Nghiên cứu trên thu được hai phát hiện quan trọng làm thay đổi hiểu biết và nhận thức của chúng ta về tác động của trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ. Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hứng chịu ACE là một số liệu cao vượt ngoài dự kiến. Hơn 28% số người tham gia trả lời rằng họ từng bị bạo hành thể xác hồi còn nhỏ, hơn 20% bị lạm dụng tình dục, và hơn 26% chia sẻ rằng họ từng phải sống với một người lớn lạm dụng thuốc hoặc chất kích thích. Một bộ phận lớn người tham gia trả lời rằng họ gặp phải nhiều trải nghiệm bất hạnh thuở nhỏ, và có đến 12,5% chia sẻ rằng họ hứng chịu bốn hoặc nhiều hơn biến cố ACE. Nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa số lượng ACE mà một người hứng chịu (điểm số ACE) với nhiều bệnh tật và các hành vi không có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như trầm cảm, bệnh tim thiếu máu cục bộ, béo phì, hút thuốc, lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch.

Phát hiện quan trọng thứ hai của cuộc nghiên cứu ACE trên là mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa liều lượng các biến cố tiêu cực thuở ấu thơ với mức độ trầm trọng của các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý xã hội ở tuổi trưởng thành. Chấn thương tâm lý thuở nhỏ càng nghiêm trọng, những hậu quả hứng chịu ở tuổi trưởng thành càng trầm trọng. Hiện tượng này biểu hiện rõ rệt trong sức khỏe cộng đồng. Trong nhóm đối tượng nghiên cứu, những người có tình trạng sức khỏe tiêu cực đều từng trải qua những biến cố gây chấn thương tâm lý từ thuở nhỏ với mức độ tương đương được phân cấp, và mối quan hệ tỷ lệ thuận này tiếp tục được tìm thấy ở 40 trường hợp người trưởng thành mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng – những người tiết lộ rằng họ từng bị ngược đãi khi còn nhỏ. ACE cũng thường liên quan đến kết quả học tập hoặc tốt nghiệp không khả quan, yếu kém hoặc sai sót trong công việc. Nghiêm trọng hơn, ACE cũng có mối quan hệ tỷ lệ thuận theo liều lượng với tỷ lệ tử vong ở người trẻ. Mức độ nghiêm trọng của biến cố tiêu cực thuở nhỏ và tình trạng sức khỏe nghèo nàn ở tuổi trưởng thành là manh mối giúp giới nghiên cứu khám phá cơ chế khả dụng của hiệu ứng này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thiết lập mô hình kim tự tháp ACE minh họa cơ chế này (Hình 28-1). Những hành vi không có lợi được quan sát thấy ở những người hứng chịu nhiều biến cố ACE có thể được lý giải trong bối cảnh các triệu chứng chấn thương tâm lý không được chữa trị hay khắc phục. Ví dụ, nicotine là một loại thuốc chống lo âu (thuốc an thần cấp thấp, thuốc bình thần, anxiolytic) tác dụng mạnh. Ăn uống vô độ, lạm dụng thuốc và chất kích thích được xem là vài giải pháp tạm thời để vô hiệu hóa những cảm xúc đau buồn. Người nào càng hứng chịu nhiều trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ, người đó càng có nguy cơ vướng vào những hành vi không có lợi hoặc mắc phải vấn đề sức khỏe ở tuổi trưởng thành.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Mặc dù nghiên cứu ACE trên được thực hiện cách đây 2 thập kỷ, dữ liệu công bố năm 2016 cho thấy một số lượng lớn trẻ em thuộc nhiều độ tuổi đến từ nhiều địa phương trên toàn quốc chia sẻ rằng các em đang hứng chịu những ACE với thể loại và mức độ tương tự. Điều này thúc giục các tổ chức chuyên môn về chăm sóc trẻ em tập trung hơn vào các vấn đề liên quan đến trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) ứng dụng sơ đồ phát triển sinh thái sinh học (“ecobiodevelopmental framework”) dành cho bác sĩ nhi để hiểu hơn về vai trò và tác động của các biến cố tiêu cực thuở ấu thơ (Hình 28-2). Điểm cốt lõi của sơ đồ này là căng thẳng (“stress”). Cấu trúc linh động của căng thẳng độc hại (“toxic stress”) hé mở cơ chế khiến những trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ trở thành tác nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe ở tuổi trưởng thành. Stress, hay tình trạng căng thẳng, là một phần cuộc sống con người, cả trẻ em và người lớn; stress có thể được phân thành ba loại. Loại thứ nhất, căng thẳng tích cực (“positive stress”), xuất hiện khi một đứa trẻ đối mặt với những khó khăn hoặc thử thách giúp trẻ rèn luyện năng lực vượt khó. Căng thẳng tích cực được tạo ra từ sự kích hoạt nhanh và nhẹ phản ứng hormone của trẻ đối với các tác nhân gây căng thẳng có thể dễ dàng được vượt qua, chẳng hạn như ngày đầu tiên đến trường. Căng thẳng tích cực xuất hiện trong những tình huống khó khăn nhưng có thể vượt qua được, giúp trẻ nhận ra rằng mình có thể và có khả năng quản lý các tác nhân gây căng thẳng, từ đó hình thành sức bật tinh thần hay năng lực vượt khó. Sự hiện diện của một chỗ dựa an toàn về cảm xúc và xã hội – chẳng hạn như người lớn tâm lý và ủng hộ trẻ – làm tăng khả năng chuyển hóa tác nhân gây căng thẳng thành căng thẳng tích cực. Căng thẳng ôn hòa (“tolerable stress”) xuất hiện khi trẻ đối mặt với một trải nghiệm tiêu cực không quá lớn, trong bối cảnh nhận được đầy đủ sự ủng hộ về xã hội và cảm xúc, chẳng hạn như trải qua nỗi đau mất người thân hay một thảm họa thiên nhiên. Với loại biến cố này, trẻ có phản ứng chống căng thẳng về mặt thể chất lớn hơn so với căng thẳng tích cực, nhưng vì điều này diễn ra trong bối cảnh được đảm bảo đầy đủ về chỗ dựa tinh thần, trẻ không hứng chịu tác động lâu dài về thể chất. Căng thẳng độc hại xảy ra khi trẻ đương đầu với biến cố gây căng thẳng liên tục, kéo dài hoặc trầm trọng mà không nhận được đầy đủ sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ từ người lớn. Với căng thẳng độc hại, phản ứng chống stress về mặt thể chất của trẻ được kích hoạt nhiều hơn mức cần thiết, có thể dẫn đến những sự chỉnh sửa có tính chất vĩnh viễn trong cách thức hoạt động của bộ gene của trẻ, hoạt động chức năng của trục HPA, và cấu trúc não của trẻ.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Một cách tự nhiên, trẻ em có cả ưu điểm và nhược điểm trong việc đương đầu với căng thẳng, những điểm này có thể hoặc giúp các em tự bảo vệ bản thân mình khỏi các tác động tiêu cực của căng thẳng độc hại, hoặc khiến các em lún sâu hơn vào nó. Với căng thẳng độc hại, trẻ em có thể trạng không tốt, mắc phải khuyết tật, cũng như trẻ em có tính khí khó chịu, dễ bị tổn thương hơn so với những trẻ không gặp phải các vấn đề vừa kể. Trong khi đó, những trẻ đã rèn luyện được bản lĩnh và những hành vi tích cực về cảm xúc và xã hội (được gọi là sức bật tinh thần hay năng lực vượt khó) có thể khắc chế được căng thẳng độc hại, đặc biệt khi có sự thấu hiểu và ủng hộ của người lớn. Chất lượng cuộc sống theo thời gian được quyết định bởi sự đối đầu không ngừng nghỉ giữa trải nghiệm tiêu cực và năng lực vượt khó. Tương tự như trẻ em, gia đình cũng sẵn có những phẩm chất có lợi hoặc không có lợi trong cuộc chiến với căng thẳng độc hại. Mỗi khi gặp phải biến cố tiêu cực, những gia đình sống trong cảnh nghèo đói, hoặc có thành viên mắc phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần hay lạm dụng chất kích thích, dễ bất hòa vì căng thẳng độc hại hơn so với những gia đình không mắc phải những vấn đề này. Trong trường hợp này, những biến cố tiêu cực có thể gây căng thẳng độc hại hoặc căng thẳng ôn hòa, tùy vào năng lực vượt khó của trẻ hoặc gia đình. Mô hình căng thẳng độc hại được gây dựng và điều chỉnh dựa trên một cơ sở quan trọng ban đầu, rằng bản thân một mình trải nghiệm tiêu cực không quyết định hệ quả về sức khỏe và hành vi của trẻ sau đó. Thay vào đó, những hệ quả này phụ thuộc vào bối cảnh xuất hiện và diễn biến sự tương tác giữa trẻ với trải nghiệm tiêu cực.

Những trải nghiệm tiêu cực trầm trọng hoặc dai dẳng gây căng thẳng độc hại ở trẻ, đặc biệt khi trẻ không được tiếp nhận đầy đủ sự ủng hộ và bảo vệ từ người lớn, do khả năng đàn hồi của bộ não đang lớn (thường dẫn đến những sự thay đổi kéo dài liên quan đến cortisol trong cơ thể và bộ não đang lớn). Thuật ngữ năng lực chịu đựng căng thẳng kéo dài (“allostatic load”) được sử dụng để miêu tả khả năng của cơ thể trong việc đương đầu với biến cố gây căng thẳng, rồi trở lại trạng thái nội cân bằng khi biến cố gây căng thẳng gia giảm hoặc biến mất. Khi tình trạng căng thẳng dâng cao, các hormone căng thẳng phải liên tục vận động ở trẻ đang lớn, điều này có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng vĩnh viễn trong cơ chế phản hồi stress của cơ thể. Các phản ứng căng thẳng bị kích hoạt quá mức ở trẻ có thể dẫn đến những sự thay đổi vĩnh viễn trong các cơ chế ngoại di truyền và trong cấu trúc của bộ não – cụ thể là hạch hạnh nhân, hồi hải mã, và vùng vỏ não trước trán, gây nên tác động lâu dài đối với khả năng học hỏi và năng lực vượt khó của trẻ.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Biểu hiện lâm sàng

Trẻ em hứng chịu chấn thương tâm lý có thể mắc phải nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Những triệu chứng này có thể liên quan đến hành vi, quá trình phát triển hoặc năng lực xã hội, được biểu hiện rõ ràng trước mắt hoặc đòi hỏi quan sát tinh tế để nhận thấy. Hoạt động ngủ nghỉ bị ảnh hưởng, nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc đi ngủ hoặc đảm bảo giấc ngủ sâu, một số trường hợp hay gặp ác mộng. Trẻ em chấn thương tâm lý có thể có biểu hiện bất thường trong hành vi ăn uống, bao gồm tích trữ hoặc giấu giếm đồ ăn, ăn quá nhanh, không thèm ăn, ăn uống vô độ hoặc tùy tiện, không biết no. Bất thường trong hành vi đi vệ sinh bao gồm sự vụng về với kỹ năng sử dụng nhà vệ sinh đã học được từ trước, đái dầm, táo bón, và ị đùn. Trẻ em chấn thương tâm lý có thể trở nên cô lập hoặc hành xử hung hãn, lo âu hoặc cảnh giác thái quá, hoặc phản ứng quá khích với những tình huống gây căng thẳng nhỏ nhặt. Những trẻ này có thể mắc phải rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), thường xuyên hồi tưởng những ký ức liên quan đến biến cố gây chấn thương tâm lý, trơ lì về cảm xúc, hành xử trốn tránh, và không thể tập trung. Việc trẻ phải đương đầu với những tác nhân gây chấn thương tâm lý mà không được giúp đỡ, ủng hộ hay cảm thông có thể gây tác động tiêu cực lên trí nhớ, hoạt động kiểm soát vùng ức chế, và khả năng nhận thức linh hoạt của trẻ. Những bất ổn này có thể làm hạn chế khả năng học hỏi, năng lực tham gia các hoạt động xã hội, khả năng tự chủ bản thân, và khả năng tập trung của trẻ.

Hình 28-1 (dưới): Cơ chế gây ảnh hưởng của trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống trong suốt vòng đời. (Tham khảo với sự cho phép từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh.)

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Chẩn đoán

Trẻ em có những triệu chứng của chấn thương tâm lý có thể bị chẩn đoán thiếu chính xác, gây nhầm lẫn với các vấn đề khác về tâm lý, tâm thần hoặc phát triển. Chẳng hạn, trẻ sống cô lập có thể bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm, có dấu hiệu của rối loạn giảm chú ý, hoặc thậm chí là chậm phát triển. Trẻ hành xử hung hãn hoặc cảnh giác thái quá có thể bị chẩn đoán nhầm là mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn cư xử, chứng rối loạn thách thức chống đối, hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý các cơn giận dữ. Nhận diện tình trạng chấn thương tâm lý của trẻ là điều cần thiết để có phương án điều trị thích hợp. Bác sĩ cần thận trọng với những kỳ vọng của chính mình trong việc tìm hiểu những chấn thương tâm lý có thể có ở trẻ em có biểu hiện bất thường trong hành vi và cách cư xử.

Trẻ em chấn thương tâm lý có biểu hiện bất thường trong hành vi có thể được thấu hiểu một khi chấn thương được nhận diện, bởi những hành vi bất thường của trẻ có thể hòa hợp trong một môi trường hoặc bối cảnh khác. Chẳng hạn, trẻ sống trong môi trường xảy ra bạo hành gia đình có thể có xu hướng cảnh giác thái quá và dễ bị kích động, và kỳ thực, đây là hành vi hợp lý để trẻ tự bảo vệ mình trong gia đình. Tuy vậy, trong trường học, đó là những hành vi không phù hợp và dễ bị chẩn đoán sai lệch.

Hình 28-2 (dưới): Mô hình phát triển sinh thái sinh học. (Trình bày với sự cho phép từ Shonkoff JP et al. The lifelong effects of early childhood adversity and toxic stress, Pediatrics. 2012 Jan;129(1):e232-e246.)

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Phòng chống và điều trị

Nhận diện các trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ và thấu hiểu các hệ quả có thể có về sức khỏe của chúng là bước đầu tiên cần được hoàn thành trong điều trị. Như đã đề cập ở phần trên, AAP đề xuất mô hình phát triển sinh thái sinh học của sức khỏe và bệnh tật con người (Hình 28-2). Mô hình này cùng các chính sách của nó định hướng trọng tâm của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sang những chiến lược dựa trên cộng đồng dành cho các trẻ cần được quan tâm. Mô hình này cũng kết hợp vai trò quan trọng của những trải nghiệm và khó khăn thuở ấu thơ của trẻ (sinh thái) với mẫu thức di truyền của trẻ (sinh học) dẫn đến sự hình thành những hành vi và thể trạng tuổi trưởng thành có thể lành mạnh hoặc không lành mạnh, thích nghi tốt hoặc kém thích nghi. Mô hình sinh thái sinh học này cũng đồng thời định hướng bác sĩ nhi không dừng lại ở việc nhận diện bệnh tật ở trẻ, mà nỗ lực xác định nguồn cơn và giảm thiểu tác động của các biến cố tiêu cực đối với cuộc sống của trẻ. Hơn thế nữa, bác sĩ nhi còn nắm giữ vị thế đủ trọng lượng để thuyết phục, khích lệ các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nói chung trong việc bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của tình trạng căng thẳng độc hại gây ra do các biến cố tiêu cực. Phòng chống bạo hành gia đình, hoặc huấn luyện kỹ năng nuôi dạy trẻ tích cực, là vài giải pháp giúp kiến tạo môi trường sống an toàn hơn cho trẻ em, là cơ sở để giảm thiểu nguy cơ đương đầu với biến cố tiêu cực trong tương lai.  

Các nhân tố xã hội có tính chất quyết định sức khỏe con người đang nhận được sự quan tâm từ giới chuyên môn, song hành với chúng là những công cụ rà soát có thể được triển khai trong môi trường chăm sóc sức khỏe nhằm phát hiện những tác nhân “phi lâm sàng” đã và đang chi phối cuộc sống của các gia đình. Rà soát các trải nghiệm tiêu cực là trách nhiệm quan trọng của người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhi khoa chuyên nghiệp. Chẳng hạn, việc hỏi thăm các gia đình về tình trạng lương thực thực phẩm trong nhà họ có thể giúp bác sĩ nhi nhận diện vấn đề và giúp họ tiếp cận các ngân hàng thực phẩm ở địa phương. Một ví dụ điển hình về công cụ rà soát là chương trình Môi trường an toàn cho mọi trẻ em (“Safe Environment for Every Kid” – SEEK) của Đại học Maryland. Công cụ này là một bảng câu hỏi dành cho phụ huynh được sử dụng tại các phòng khám và trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu về nhi khoa, có tác dụng rà soát tình trạng lạm dụng chất kích thích, bạo hành gia đình, trầm cảm ở người mẹ, và căng thẳng thần kinh ở cha mẹ; sau đó, gia đình được giới thiệu đến một nhân viên công tác xã hội hoặc các dịch vụ cộng đồng thích hợp để khắc phục những vấn đề được nhận diện.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Một khi trải nghiệm tiêu cực được xác định, người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhi khoa cần các nguồn lực để chỉ định một cách rõ ràng những vấn đề và nguy cơ cụ thể về sức khỏe. Các dự án hợp tác y khoa-pháp luật (MLP) là một ví dụ khác cho thấy những công tác mà lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa có thể thực hiện để kết nối hiệu quả với những nguồn lực từ cộng đồng và phát huy mô hình phát triển sinh thái sinh học. MLP phối hợp với các luật sư và trợ lý luật sư đến từ các hệ thống chăm sóc sức khỏe để cùng làm việc về các vấn đề xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người. Đội ngũ MLP có thể nỗ lực gia giảm tỷ lệ người vô gia cư trong cộng đồng bằng cách hỗ trợ các gia đình bị thu hồi tài sản, giúp họ không bị cô lập hoàn toàn khỏi những tiện ích thiết yếu như sưởi ấm vào mùa đông, và góp phần khắc phục những nguy cơ sức khỏe trong cộng đồng như nồng độ chì vượt mức cho phép trong nước sinh hoạt. MLP cũng đóng vai trò củng cố năng lực của những người cung cấp dịch vụ trong việc sớm nhận diện các vấn đề xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và nhanh chóng khắc phục.

Nhiều trẻ tìm đến bác sĩ nhi với các triệu chứng liên quan đến chấn thương tâm lý hoặc PTSD. Sau khi được bác sĩ tìm hiểu và chẩn đoán, trẻ em chấn thương tâm lý có thể được xem xét một trong vài phương thức điều trị đã được khoa học chứng thực dành cho PTSD. Phương thức được nghiên cứu nhiều nhất trong đây là liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào chấn thương tâm lý (“trauma-focused cognitive behavioral therapy” – TF-CBT), đã được xác nhận là hiệu quả với trẻ em bị lạm dụng, bạo hành, từng trải qua những nỗi đau đớn vượt mức chịu đựng, nạn nhân của thảm họa thiên nhiên và khủng bố. Trong mô hình điều trị này, trẻ em chấn thương tâm lý trải qua quá trình được khơi gợi tuần tự ký ức của biến cố gây chấn thương tâm lý mà các em từng hứng chịu. Trọng tâm của quá trình này là thấu hiểu cách thức chấn thương tâm lý chi phối những cảm nhận và hành động của trẻ. TF-CBT giúp trẻ và gia đình học cách quản lý những ký ức và cảm nhận liên quan đến chấn thương tâm lý, và lĩnh hội những chiến lược để bảo vệ bản thân và vui sống. Một thành phần quan trọng của phương thức điều trị này là sự tường thuật lại trải nghiệm gây chấn thương tâm lý từ góc nhìn của trẻ, có thể được thực hiện bằng hình thức viết giấy, vẽ, hoặc diễn lại những điều đã xảy ra. Kinh nghiệm thực tế cho thấy TF-CBT có tác dụng làm thuyên giảm các triệu chứng PTSD, làm dịu những nỗi sợ, và giúp cải thiện năng lực tham gia các hoạt động xã hội. Mô hình này cũng giúp cải thiện các vấn đề đến từ cha mẹ của trẻ chấn thương tâm lý.

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

Tổng kết

Thế giới không ngừng vận động và đổi thay, với nhiều khác biệt rõ rệt so với những năm chuyển tiếp từ thế kỷ mười chín sang thế kỷ hai mươi – thời của bác sĩ Abraham Jacobi, bác sĩ nhi khoa đầu tiên ở Hoa Kỳ. Trong khi những căn bệnh của thời trước – chẳng hạn như bệnh bạch hầu, uốn ván, scurvy, và lao phổi gần như đã là chuyện của quá khứ, những nguy cơ và thách thức mới đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ em cần được quan tâm, nhận diện và khắc phục. Mặc dù các trải nghiệm gây chấn thương tâm lý có thể diễn ra âm thầm và khó nhận biết, những “bệnh tật mới” có thể gây tác động tiêu cực ngay tức thì và dai dẳng đối với trẻ em đang lớn. Sự căng thẳng đến từ cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, nạn bạo hành trong gia đình hoặc cộng đồng, các vấn đề bất ổn về sức khỏe tinh thần trong gia đình, hoặc tình trạng phân biệt chủng tộc có thể hằn dấu vĩnh viễn lên mô thức tâm lý của trẻ, đòi hỏi công tác nhận diện và theo dõi cẩn thận từ bác sĩ nhi, cùng một nỗ lực điều trị toàn diện và có ý nghĩa. 

“Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ,” người dịch: Phan Nguyễn Khánh Đan, tháng 07/2021

* Trích đoạn sách dịch cho BSCKII Nguyễn Thị Kim Thoa, tháng 07/2021.

Người dịch: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Âm nhạc:

Carinhoso” (Pixinguinha, 1930), Jazzy 1 Hour Requested Songs from Live Piano by Sangah Noona, October 2023.

./.

Tagged: , , , , ,

Leave a comment

What’s this?

You are currently reading Trải nghiệm tiêu cực thuở ấu thơ at PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN .

meta