Những hội chứng y khoa mang tên nhân vật văn học

August 14, 2012 § 1 Comment

Những hội chứng y khoa mang tên nhân vật văn học - blog Góc Sức Khỏe - Phan Nguyễn Khánh Đan

Tác phẩm “Newborn” của nữ họa sĩ Linda Bergkvist.

[ Bài viết được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống số 672 tháng 11/2011 ]

Ngày nay, từ “hội chứng” được các bác sĩ và nhà tâm lý học dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng thường xuất hiện cùng nhau và gắn liền với một điều kiện, chứng rối loạn hoặc một căn bệnh nhất định. Phần lớn các triệu chứng được đặt tên theo tên của những người đã khám phá ra chúng. Tuy nhiên, 10 triệu chứng sau đây là những ngoại lệ, được đặt theo tên một số nhân vật trong các tác phẩm văn học nổi tiếng:

1.      Hội chứng Rapunzel:

Đây là một hội chứng được gọi theo tên một nàng công chúa xinh đẹp với mái tóc dài bằng cả một tòa tháp trong truyện cổ Grimm. Bệnh nhân mắc hội chứng hiếm gặp này mang một khối u tòan là tóc đã nuốt dẫn đến tắc ruột. Hầu hết họ được chẩn đoán bị chứng ăn tóc, một chứng bệnh khiến cho người bệnh luôn cảm thấy muốn nhổ và nuốt tóc của chính mình gây nên những triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân và có khối u tóc trong bụng. Cũng nên biết vào thời cổ đại nhiều tộc người tin rằng tóc trong ruột là một loại thuốc chữa bách bệnh.

2.      Hội chứng Othello:

Hội chứng này được đặt theo tên một nhân vật trong kịch Shakespeare nổi tiếng bởi hành động sát hại vợ của mình trong cơn ghen tuông. Những người mắc phải hội chứng Othello – hay còn gọi là ghen tuông ảo giác – thường có niềm tin mù quáng rằng người bạn đời của họ không chung thủy, từ đó họ liên tục nghĩ ra hàng loạt cớ để kết tội hoặc mổ xẻ sự không chung thủy của chồng hoặc vợ mình. Về lâu dài những biểu hiện này có thể dẫn đến hành động bạo lực hoặc mang tính hủy hoại.

3.      Hội chứng Peter Pan:

Đây là một hội chứng được đặt theo tên cậu bé không chịu lớn Peter Pan – một nhân vật do nhà văn J.M. Barrie sáng tạo nên. Những người mắc phải hội chứng này cư xử trẻ con trong mọi việc. Họ trốn tránh trách nhiệm và không chịu tuân thủ những chuẩn mực chung. Thay vì phải thích nghi cuộc sống thực tế, những người này thường “sống trên mây” và luôn cần được coi sóc.

4.      Hội chứng Mowgli:

Mowgli là tên nhân vật chính trong tác phẩm “Cậu bé rừng xanh” của Rudyard Kipling từng được hãng Walt Disney chuyển thành phim. Trẻ em mắc phải hội chứng này thường có biểu hiện yếu ớt về mặt thể chất hoặc tinh thần. Hội chứng Mowgli đặc biệt dễ xuất hiện ở những đứa trẻ từng bị sang chấn tâm lý do cha mẹ bỏ bê hoặc lạm dụng. Hội chứng này cũng được dùng cho những đứa trẻ lớn lên mà không tiếp xúc với con người, chẳng hạn như bị bỏ rơi trong rừng và được thú rừng nuôi lớn.

5.      Hội chứng Cinderella:

Cinderella – thường được thiếu nhi Việt Nam biết đến với tên gọi “Cô bé Lọ Lem” – là một nhân vật trong truyện cổ tích của Charles Perrault. Trẻ em mắc phải hội chứng này thường tưởng tượng ra những câu chuyện cường điệu về việc chúng bị dì ghẻ hoặc cha dượng bạc đãi, lạm dụng, hoặc bỏ bê. Không nên nhầm lẫn với “Phức cảm Cinderella” – thuật ngữ dùng để miêu tả nỗi sợ của phụ nữ khi phải sống độc lập, và họ mong muốn được bảo bọc che chở bởi những thế lực quyền năng hơn (như ông Bụt, bà Tiên, hay những chàng hoàng tử trong truyện cổ tích).

Image*Ảnh: Bài viết được đăng trên 18 và 19 báo Sức Khỏe & Đời Sống số 672 tháng 11/2011

 6.      Hội chứng Pickwickian:

Hội chứng này mang tên gã phàm ăn Joe Pickwick trong tác phẩm đầu tay của Charles Dickens. Người bị hội chứng này có biểu hiện ngừng thở trong lúc ngủ, nguyên nhân do tình trạng béo phì gây giảm thông khí lúc ngủ. Chứng rối loạn này có thể gây nguy hại đến tính mạng do quá trình hô hấp liên tục bị ngắt quãng trong khi ngủ.

7.      Hội chứng Huckleberry Finn:

Huckleberry Finn là tên một cậu bé ưa thích phiêu lưu mạo hiểm trong tác phẩm của nhà văn Mark Twain. Người bệnh ngay từ lúc còn nhỏ thường tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm, đến khi trưởng thành họ có thói quen nhảy việc hoặc thường xuyên vắng mặt trong cơ quan. Hội chứng này có thể là một cơ chế tự vệ khi bị cha mẹ chối bỏ hoặc không công nhận năng lực, dẫn đến hiện tượng trầm cảm hoặc tự đánh giá thấp bản thân.

8.      Hội chứng Dorian Gray:

Hội chứng này được đặt theo tên nhân vật chính trong tác phẩm “Dorian Gray” của nhà văn Oscar Wilde, kể về một chàng trai trẻ sẵn sàng bán rẻ linh hồn để giữ mãi tuổi xuân. Những người mắc phải hội chứng này luôn bị ám ảnh bởi một vẻ ngoài hoàn hảo, từ đó sinh ra nỗi sợ tuổi già. Họ tìm mọi cách để kéo dài tuổi trẻ, chẳng hạn như lạm dụng mỹ phẩm.

9.      Hội chứng “Quần áo mới của Hoàng Đế”:

Hội chứng này được lấy tên theo một câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen kể về một ông vua lầm tưởng mình đang khoác trên người bộ quần áo xứng với quyền uy của mình, trong khi thực tế ông ta không mặc gì cả. Vì nhiều lý do, không người dân nào dám nói thật với vua về bộ quần áo cho đến khi lũ trẻ con lên tiếng. Những người mắc phải hội chứng này luôn tỏ ra hiểu biết về một vấn đề nào đó dù thực tế không phải vậy. Họ che giấu sự thiếu hiểu biết của mình vì không muốn bị xem là kém cỏi.

10.      Hội chứng “Alice lạc vào xứ sở thần tiên”:

Hội chứng này mang tên nhân vật nữ chính trong tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Lewis Carroll. Đây là một rối loạn thần kinh mà trong đó người bệnh gặp vấn đề về thị giác. Họ nhìn các bộ phận trên cơ thể bản thân cũng như mọi vật xung quanh với kích thước khác với kích thước thực tế. Hội chứng này thường có liên hệ với chứng đau nửa đầu, nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của chứng động kinh, bệnh tăng đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc do thuốc gây ảo giác./.

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)

.

Tagged: , , ,

§ One Response to Những hội chứng y khoa mang tên nhân vật văn học

Leave a comment

What’s this?

You are currently reading Những hội chứng y khoa mang tên nhân vật văn học at PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN .

meta